Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay với lãi thấp lên đến 7 năm

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay với lãi thấp lên đến 7 năm
Ngày 10/05/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đây là quỹ hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu đủ điều kiên có thể được vay vốn với lãi suất bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại (so sánh lãi suất của 04 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ).

Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với từng doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá bảy (07) năm.

Điều kiện vay vốn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn trực tiếp từ quỹ trên phải đáp ứng các điều kiện sau (Điều 16):

- Đáp ứng quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng);

- Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;

- Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định này.

- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, cụ thể:

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ mới quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới theo quy định của pháp luật.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành: Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng. Việc xác định cụm liên kết ngành thực hiện theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị: Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, được triển khai để trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị hoặc có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị. Việc xác định chuỗi giá trị thực hiện theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

>> Tìm vốn đầu tư: nên và không nên làm đối với chủ các doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài việc vay vốn trực tiếp từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trên còn có thể vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại được Quỹ lựa chọn ký thỏa thuận cho vay gián tiếp.

Ngoài ra, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo các thoả thuận đã ký kết theo quy định tại Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến hết thời hạn ủy thác cho vay.
...

Nghị định 39/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Download Nghị định 39/2019/NĐ-CP.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »