Một số lưu ý về thuế khi bán hàng vãng lai ngoại tỉnh

Một số lưu ý về thuế khi bán hàng vãng lai ngoại tỉnh
Quy định kê khai và nộp thuế ngoại tỉnh được hướng dẫn tại Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC.


Tại sao bán hàng vãng lai ngoại tỉnh phải nộp thuế ngoại tỉnh?

Một số người hay quen gọi khoản thuế do bán hàng ngoại tỉnh là thuế vãng lai nhưng thực ra không có khái niệm thuế vãng lai. Đây thực chất là việc phải nộp một phần thuế gián thu (thuế GTGT) tại tỉnh phát sinh doanh thu khi doanh nghiệp có xây dựng, lắp đặt, bán hàng ngoại tỉnh (khác tỉnh doanh nghiệp đóng trụ sở).

Để hiểu rõ hơn, chúng ta tham khảo thêm tại tiết e khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm đ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Thông tư số 151/2014/TT-BTC):

đ) Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.".

Trở lại câu hỏi tại sao phải nộp thuế ngoại tỉnh khi bán hàng ngoại tỉnh? Sao doanh nghiệp không không nộp thuế thẳng về trụ sở vì nộp thuế trong tỉnh hay ngoài tỉnh cũng đều nộp tiền vào ngân sách Nhà nước?

Điều này được lý giải, do mỗi tỉnh đều có nguồn thu độc lập, muốn có nguồn thu để chủ động phát triển địa phương. Hơn nữa, khi doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn của họ thì cơ quan quan chức năng tại đó phải quản lý, hao phí tài nguyên và có thể tổn hại môi trường ... nên việc thu thuế kinh doanh trên địa bàn cũng là điều hợp lý.

Nộp thuế ngoại tỉnh theo tỷ lệ nào?

Cũng theo Thông tư 26/2015/TT-BTC ( tiết e khoản 1 Điều 2) thì tỷ lệ "ăn chia" của các tỉnh khi doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng ngoại tỉnh như sau:

"a) Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo tỷ lệ 2% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% hoặc theo tỷ lệ 1 % đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% trên doanh thu hàng hóa chưa có thuế giá trị gia tăng với cơ quan Thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.".

Trong trường hợp công trình ngoại tỉnh liên quan đến nhiều địa phương mà không xác định doanh thu từng địa phương thì tỷ lệ tính thuế ngoại tỉnh (Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC) như sau:

Trường hợp người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí,..., không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp tỉnh thì người nộp thuế khai thuế giá trị gia tăng của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tại trụ sở chính và nộp thuế GTGT cho các tỉnh nơi có công trình đi qua. Số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh được tính theo tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh do người nộp thuế tự xác định nhân (x) với 2% doanh thu chưa có thuế GTGT của hoạt động xây dựng công trình.

Số thuế GTGT đã nộp (theo chứng từ nộp thuế) của hoạt động xây dựng công trình liên tỉnh được trừ (-) vào số thuế phải nộp trên Tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) của người nộp thuế tại trụ sở chính.

Người nộp thuế lập Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh (mẫu số 01-7/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này) và sao gửi kèm theo Tờ khai thuế GTGT cho Cục Thuế nơi được hưởng nguồn thu thuế GTGT.”.

Kê khai thuế ngoại tỉnh như thế nào?

+ Khai thuế tại địa phương nơi có có hoạt động bán hàng vảng lai ngoại tỉnh.

Thông tư 26/2015/TT-BTC (tiết e khoản 1 Điều 2) thì Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu.

Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

Nộp tờ khai 05/GTGT trong vòng 10 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

Nếu công trình ngoại tình liên quan đến nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu từng địa phương thì nộp bảng phân bổ mẫu 01-7/GTGT kèm tờ khai 01/GTGT (đã kê khai chung tại trụ sở) cho Cục thuế nơi có nguồn thu vảng lai.

Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế (nộp thuế) đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh (trừ trường hợp công trình có liên quan nhiều tỉnh thì khai thuế tại trụ sở). 

Số thuế đã nộp ngoại tỉnh được trừ vào số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tờ khai thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế tại trụ sở chính.

+ Khai thuế (tháng, quý) tại trụ sở chính (Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC)

- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT.

- Bảng tổng hợp số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh (nếu có) theo mẫu số 01-5/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

- Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán (nếu có) theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

- Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh (nếu có) theo mẫu số 01-7/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Không nộp đúng thuế bán hàng ngoại tỉnh có bị phạt?

Trường hợp doanh nghiệp nộp (nhầm) toàn bộ thuế ngoại tỉnh tại trụ sở chính (đúng hạn) thì doanh nghiệp không bị phạt về tội trốn thuế, chậm nộp thuế do không có hành vi trốn thuế. Doanh nghiệp chỉ cần lập Công văn yêu cầu cơ quan thuế tại trụ sở chính chuyển số thuế về đúng địa phương có phát sinh hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể bị phạt vi phạm hành chính về thuế do không (chậm) nộp tờ khai thuế (05/GTGT) theo Điều 9 Thông tư 166/2013TT-BTC nếu có phát sinh doanh thu vãng lai ngoại tỉnh.

Không phải hoạt động bán hàng ngoại tỉnh nào cũng nộp thuế

Một số ví dụ điển hình tại Thông tư 26/2015/TT-BTC kinh doanh ngoại tỉnh:

+ Công ty A trụ sở tại Hải Phòng ký hợp đồng cung cấp xi măng cho Công ty B có trụ sở tại Hà Nội. Theo hợp đồng, hàng hóa sẽ được Công ty A giao tại công trình mà công ty B đang xây dựng tại Hà Nội. Hoạt động bán hàng này không được gọi là bán hàng vãng lai ngoại tỉnh. Công ty A thực hiện kê khai thuế GTGT tại Hải Phòng, không phải thực hiện kê khai thuế GTGT tại Hà Nội đối với doanh thu từ hợp đồng bán hàng cho Công ty B.

+ Công ty B có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh có các kho hàng tại Hải Phòng, Nghệ An không có chức năng kinh doanh. Khi Công ty B xuất bán hàng hóa tại kho ở Hải Phòng cho Công ty C tại Hưng Yên thì Công ty B không phải kê khai thuế GTGT tại địa phương nơi có các kho hàng (Hải Phòng, Nghệ An).

+ Công ty A có trụ sở tại Hà Nội ký hợp đồng với Công ty B chỉ để thực hiện tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được xây dựng tại Sơn La mà Công ty B là chủ đầu tư thì hoạt động này không phải hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh. Công ty A thực hiện khai thuế GTGT đối với hợp đồng này tại trụ sở chính tại Hà Nội, không phải thực hiện kê khai thuế GTGT tại Sơn La.

+ Công ty A có trụ sở tại Hà Nội ký hợp đồng với Công ty C để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Sơn La mà Công ty C là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế GTGT trên 1 tỷ đồng thì Công ty A thực hiện khai thuế GTGT xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Sơn La.

+ Công ty A có trụ sở tại Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Y để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Yên Bái mà Công ty C là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế GTGT là 770 triệu đồng thì Công ty A không phải thực hiện khai thuế GTGT xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Sơn La.

+ Công ty B trụ sở tại Hà Nội bán máy điều hòa cho khách tại Hòa Bình (bao gồm cả lắp đặt) thì Công ty B không phải nộp vãng lai tại Hòa Bình.

+ Công ty A có trụ sở tại Hà Nội mua 10 căn nhà thuộc 1 dự án của Công ty B tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó Công ty A bán lại các căn nhà này và thực hiện xuất hóa đơn cho khách hàng C thì Công ty A phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo tỷ lệ % doanh thu với cơ quan thuế tại thành phố Hồ Chí Minh.”.

Kết luận:
+ Trường hợp giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên doanh nghiệp không thành lập chi nhánh trực thuộc (hoặc có chi nhánh trực thuộc nhưng không tổ chức kế toán- báo cáo thuế về trụ sở) thì phải kê khai, nộp thuế ngoại tỉnh theo tỷ lệ:
- 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%
- 1 % doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%
+ Trường hợp công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương mà không xác định được doanh thu từng tỉnh, số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh được tính theo tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh do người nộp thuế tự xác định nhân (x) với 2% doanh thu.
+ Kê khai hoạt động vảng lai ngoại tỉnh theo mẫu 05/GTGT theo từng lần phát sinh doanh thu tại cơ quan thuế địa phương hoặc nộp mẫu 01-7/GTGT kèm tờ khai 01/GTGT cho Cục thuế nơi có nguồn thu vãng lai nếu liên quan đến nhiều tỉnh.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »