Hướng xử lý hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng quá hạn thanh toán


Hướng xử lý hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng quá hạn thanh toán
Đối với hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, Luật thuế bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì hóa đơn đó mới được khấu trừ thuế GTGT, mới được đưa vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, hóa đơn giá trị từ trên 20 triệu đồng đã đến (quá) hạn thanh toán mà doanh nghiệp chưa thanh toán được thì hóa đơn đó xử lý như thế nào? Có được khấu trừ thuế hay có dược đưa vào chi hợp lý hay không?

Theo Luật thuế hiện hành, cụ thể Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 (hiệu lực từ 15/11/2014) và Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 đều quy định chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt như sau:

"Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.

Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào ...".

Rõ ràng, quy định trên chỉ đề cập "chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng" mà không nói rõ hóa đơn trên 20 triệu đồng quá hạn thanh toán theo hợp đồng và chưa thanh toán (nên chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt) thì có còn được khấu trừ hay không? có phải điều chỉnh giảm thuế GTGT đã khấu trừ hay không?

Do đó, có 2 quan điểm đối với hóa hóa đơn trên 20 triệu đồng quá hạn thanh toán: được khấu trừ cho đến khi có chứng từ thanh toán thực tế; điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã kê khai khấu trừ ... Vấn đề này được tranh luận khá nhiều trên các diễn đàn kế toán và ngay cả cơ quan thuế, mỗi nơi lại trả lời, xử lý mỗi khác.

Chẳng hạn tại Công văn 42613/CT-HTr ngày 24/06/2016 mà Cục thuế Hà Nội trả lời là phải điều chỉnh giảm thuế GTGT đã khấu trừ khi đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong khi đó, Công văn số 06/TCT-CS ngày 03/01/2017 và Công văn số 1634/TCT-CS ngày 25/04/2017 của Tổng cục thuế khẳng định hóa đơn đến hạn thanh toán mà chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa thanh toán thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT.

Trích Công văn số 06/TCT-CS:


Hướng xử lý hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng quá hạn thanh toán


Theo quan điểm của chúng tôi thì Công văn số 06/TCT-CS và Công văn số 1634/TCT-CS trả lời hợp lý, đúng Luật hơn Công văn 42613/CT-HTr; chưa kể Tổng cục thuế là cơ quan cao nhất, ngày trả lời cũng mới hơn và đương nhiên là có giá trị hơn. Sau đây là một số nhận định của Ketoan.biz về vấn đề này:

Đối với khấu trừ thuế GTGT:


Khoản 10, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC (hướng dẫn Nghị định 12/2015/NĐ-CP) Sửa đổi, bổ sung điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC có quy định như sau:

“c) Đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ)”.

Như vậy:

Luật thuế chỉ không cho khấu trừ thuế khi thanh toán thực tế mà không có chứng từ không dùng tiền mặt, điều đó có nghĩa là:

Hóa đơn từ trên 20 triều đồng quá hạn thanh toán thì kế toán không phải lập bút toán điều chỉnh giảm phần thuế GTGT đã khấu trừ trước đó.

Chỉ khi doanh nghiệp thanh toán thực tế mà không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hóa đơn này thì kế toán phải lập bút toán điều chỉnh giảm thuế GTGT:


Bút toán điều chỉnh:  Nợ TK 138, 4211 (*). 
                                        Có TK 333111

(*) Không được đưa vào chi phí tính thuế, nếu đưa vào chi phí kế toán (TK 641,642 ...) thì khi báo cao quyết toán thuế cuối năm phải loại trừ khoản này ra).

Đối với chi phí thuế TNDN:


Tại điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC có quy định:

"Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này)".

=> Hóa đơn giá trị từ trên 20 triệu đồng trở lên quá hạn thanh toán thì doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí hợp lý; chỉ khi thanh toán mà doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì kế toán phải xuất toán khoản chi này ra khỏi chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN.

Tóm lại, hóa đơn có giá trị từ trên 20 triều đồng chỉ khi nào doanh nghiệp thanh toán bằng tiền mặt thì tòan bộ hóa đơn đó mới bị loại bỏ khấu trừ thuế GTGT lẫn chi phí.

Vậy doanh nghiệp lợi dụng hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng thanh toán bằng tiền mặt để đưa vào chi phí tính thuế và khấu trừ thuế khi bao biện là chưa thanh toán?

Vấn đề này cơ quan thuế cũng dễ dàng xác minh qua chứng từ thanh toán của doanh nghiệp và phía khách hàng; Hơn nữa hóa đơn quá hạn thanh toán 2-3 năm chắc chắn doanh nghiệp phải có hồ sơ dự phòng phải thu khó đòi của khoản này ...

Mời các bạn tham khảo thêm Công văn 06/TCT-CS ngày 03/01/2017 mà Tổng Cục thuế giải đáp về vấn đề này.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »