Tối ưu hóa các khoản đóng BHXH, thuế TNCN như thế nào?

Tối ưu hóa các khoản đóng BHXH, thuế TNCN như thế nào?
Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2018, chính sách thuế, bảo hiểm được cho là siết chặt hơn, như hợp đồng lao động thời hạn từ 1 tháng trở lên phải đóng BHXH, đóng BHXH bao gồm cả mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ... 

Chi phí tăng thêm khiến doanh nghiệp tìm cách "né" bớt thuế, phí, là một thực tế ở một số doanh nghiệp hiện nay.

Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp có cách tính, phân bổ các khoản phụ cấp trong bảng lương khác nhau. Không quá ngạc nhiên khi hai người lao động ở hai doanh nghiệp có cùng mức lương nhưng thu nhập khác nhau do thuế TNCN của họ tính, nộp khác nhau. Các khoản thu nhập ghi nhận như thế nào? Để hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp mà vẫn tuân thủ đúng Luật Thuế, Luật Bảo hiểm xã hội?

Muốn "tối ưu" các khoản thuế, phí thì chắc hẳn bộ phận tính lương, kế toán phải nắm bắt được các quy định về thuế TNCN, bảo hiểm, tiền lương hiện hành. Phải biết được khoản nào phải đóng bảo hiểm, thuế TNCN, khoản nào được miễn, giảm thuế ... từ đó xây dựng cơ cấu bảng lương phù hợp, "kín kẻ" với từng công việc, chức danh trong doanh nghiệp.

Tiền lương gồm những khoản nào?

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 01/01/2018 bao gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Việc lập bảng cơ cấu tiền lương, so sánh các khoản phụ cấp sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng bảng lương cũng như có cơ sở thỏa thuận với người lao động nhằm tối ưu mức lương và các khoản phụ cấp.

Sau đây là bảng tổng hợp các khoản bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, các khoản được miễn đóng BHXH và các khoản không phải tính thuế TNCN, căn cứ tại các Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC:
Các khoản phải đóng BHXH Các khoản miễn đóng BHXH Các khoản miễn thuế TNCN
Mức lương (1) Tiền thưởng KPI/năng suất/… Tiền làm thêm giờ
Phụ cấp chức vụ, chức danh Tiền thưởng sáng kiến Phụ cấp độc hại
Phụ cấp trách nhiệm Tiền hỗ trợ giữ trẻ Phụ cấp thu hút
Phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm Tiền hỗ trợ ăn giữa ca (3) Phụ cấp khu vực
Phụ cấp thâm niên Tiền hỗ trợ trang phục (4) Tiền hỗ trợ trang phục (4)
Phụ cấp khu vực Tiền hỗ trợ điện thoại (5) Tiền hỗ trợ điện thoại (5)
Phụ cấp lưu động Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ Tiền khoán văn phòng phẩm, công tác phí
Phụ cấp thu hút Tiền hỗ trợ nhà ở Tiền hỗ trợ nhà ở (6)
Các khoản phụ cấp tương tự Tiền hỗ trợ đi lại Tiền hỗ đi lại khi đi công tác (trả cố định hàng tháng không được miễn thuế)
Các khoản bổ sung khác (2) Tiền hỗ trợ xăng xe Tiền hỗ trợ xăng xe khi đi công tác (trả cố định hàng tháng không được miễn thuế)
Tiền trợ cấp cho NLĐ khi bị tai nạn lao động, nghề nghiệp Tiền trợ cấp cho NLĐ khi bị tai nạn lao động, nghề nghiệp
Tiền hỗ trợ sinh nhật NLĐ Tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp

Tiền hỗ trợ NLĐ có người thân kết hôn Trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề NLĐ

Tiền hỗ trợ NLĐ có thân nhân bị chết Tiền hỗ trợ NLĐ/thân nhân NLĐ cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo

Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác Tiền thưởng cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận
Lưu ý: Các khoản chi trên phải được ghi rõ mức thưởng, điều kiện hưởng trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy chế tài chính, quy chế thưởng của doanh nghiệp, trong đó:

(1) Mức lương: tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

(2) Các khoản bổ sung khác: là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

(3) Tiền hỗ trợ ăn giữa ca: Mức khống chế hiện nay 730.000 đồng/người/tháng, phần chi vượt mức này (nếu có) sẽ bị tính, đóng BHXH.

(4) Tiền hỗ trợ trang phục: Mức khống chế hiện nay là 5 triệu đồng/người/năm, phần chi vượt mức này (nếu có) sẽ bị tính vào thu nhập tính thuế.

(5) Tiền hỗ trợ điện thoại doanh nghiệp tự xây dựng căn cứ mức doanh thu, chức danh công việc hoặc theo định mức Quyết định số 17/VBHN-BTC, ngày 04/03/2014.

(6) Tiền hỗ trợ nhà ở tính trên 15% tổng thu nhập chịu thuế TNCN (chưa có tiền  hỗ trợ thuê nhà) so sánh với tiền hỗ trợ thuê nhà: Lấy số thấp hơn công (+) vào thu nhập tính thuế.

Ví dụ: Tổng thu nhập tính thuế nhân viên A là 10.000.000 đồng (chưa cộng tiền hỗ trợ thuê nhà), 15% của thu nhập trên là 1.500.000 đồng.

Trường hợp 1: Tiền hỗ trợ nhà 1.000.000 => 1.000.0000 cộng vào thu nhập tính thuế (do 1 triệu < 1,5 triệu).
Trường hợp 2: Tiền hỗ trợ nhà là 4.000.0000 đồng => 1.500.000 đồng cộng vào thu nhập tính thuế (do 1,5 triều < 4 triệu).

Tối ưu các khoản đóng bảo hiểm và thuế TNCN như thế nào?

Trong bảng tổng hợp tiền lương ở trên cho thấy khá nhiều khoản phụ cấp không phải tính đóng BHXH lẫn thuế TNCN, chúng ta có thể tập trung phát triển tối đa có thể vào các khoản phụ cấp này. Tuy nhiên, cần cân nhắc tăng, giảm các khoản phụ cấp trong "khuôn khổ" và phù hợp với doanh nghiệp của mình, giải trình được khi có yêu cầu.

Việc thay đổi các khoản phụ cấp (như bảng trên) trong bảng lương sẽ làm thay đổi đến mức đóng BHXH và thuế TNCN phải nộp. Chẳng hạn, thay vì phụ cấp thâm niên, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận đổi sang phụ cấp chuyên cần bình xét hàng tháng, giảm phụ cấp cố định để tăng lương làm thêm giờ, tăng ca, hỗ trợ nhà ở ...

Cần thận trọng ...

Trong trường hợp chuyển phần lớn tiền lương sang tiền làm thêm giờ thì doanh nghiệp được lợi khi trả trợ cấp thôi việc (nếu có) thấp, người lao động nộp thuế TNCN (nếu có) ít hơn do tiền làm thêm giờ được miễn thuế; nhưng các chế độ người lao động tính theo lương chính (trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp ...) vì thế cũng thấp.

Hơn nữa, tiền lương thấp thì các chế độ phúc lợi (không quá 1 tháng lương bình quân) đưa vào chi phí được trừ sẽ thấp ... dẫn đến doanh nghiệp có thể sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn. Do vậy, giải pháp "lương thấp- thưởng cao" chưa hẳn lúc nào cũng tối ưu, có những hạn chế, mặt trái của nó.

Tăng tiền lương làm thêm giờ nên chăng áp dụng cho những người có thu nhập cao (3-5 chục triệu đồng trở lên) vì họ sẽ "tiết kiệm" được khá nhiều tiền thuế TNCN; Những người có thu nhập gần mức chịu thuế nên tập trung tối ưu BHXH, vì thuế TNCN không được giảm bao nhiêu khi chuyển qua tiền làm thêm giờ, khi nghỉ việc lãnh tiền trợ cấp thấp không khéo họ lại "la làng" ...

Dù gì cũng phải có mức độ, phù hợp, không thể một doanh nghiệp mà nhân viên văn phòng nào cũng đầy ắp làm thêm giờ, hay đang độc thân vui tính lại có 2 con giảm trừ gia cảnh ... Nói tóm lại, tùy theo tính chất công việc, tùy theo chức danh của người lao động, thực tế của từng doanh nghiệp mà "chế biến" những bảng lương phù hợp.

Thật khó để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người lao động. Tối ưu thuế TNCN như thế nào? tối ưu các khoản phí bảo hiểm phải nộp ra sao? Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc ở bạn!.

* Bài viết không khuyến khích vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chỉ đưa ra quan điểm, phân tích đa chiếu ở góc nhìn của một người làm kế toán, hoàn toàn mang tính tham khảo.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »