Những chi phí không được trừ khi quyết toán thuế TNDN

Gần đây Luật thuế có vẻ “cởi trói” hơn cho doanh nghiệp trong phần chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Từ Thông tư 78/2014/TT-BTC, Nghị định 91/2014/NĐ-CP và gần đây nhất là Luật số 71/2014/QH13- lần đầu tiên bỏ mức khống chế 15% tổng chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, tiếp khách, khánh tiết … được xem là một bước “đột phá” trong vấn đề cải cách thuế.
Những chi phí không được trừ khi quyết toán thuế TNDN
(Ảnh minh họa, nguồn internet)
Vậy mức khống chế chi phí thuế TNDN mà cơ quan thuế quy định hiện nay như thế nào? có những điều chỉnh nào? Về nguyên tắc để được công nhận chi phí thì chi phí phát sinh phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lê, hợp pháp theo quy định, sau đây là một số mức khống chế, chi phí không được trừ áp dụng tính thuế TNDN được cập nhật đến năm 2018.

* Bài viết có cập nhật Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015, Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH, Nghị định 146/2017/NĐ-CP ...

1. Về chi phí khấu hao TSCĐ:

- Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, TSCĐ đã khấu hao hết giá trị, TSCĐ không hoạt động, không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

- Phần trích khấu hao đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đối với phần nguyên giá giá trên 1,6 tỷ đồng, ngoại trừ Doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh ô tô được trích khấu hao theo giá trị thực tế đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng để làm mẫu và lái thử.


Lưu ý: Các tài sản cố định của doanh nghiệp phục vụ cho người lao động và để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

2. Chi phí nguyên, nhiên vật liệu:

Đối với phần chi vượt định mức tiêu hao đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Bỏ quy định doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu).

Riêng định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 03 tháng đầu năm hoặc 03 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất. Danh mục định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định.

Căn cứ bảng đăng ký định mức, cơ quan thuế sẽ xét duyệt hoặc có thể sẽ xuất toán các khoản chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá phần vượt mức tiêu hao hợp lý khi quyết toán thuế TNDN..

Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành.

3. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động:

- Không được tính vào chi phí đực trừ đối khi không ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty. Không có chứng từ thanh toán hoặc chi trả tiền lương sau hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.

- Không được tính vào chi phí được trừ đối với chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

- Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện, phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp hợp đồng lao động của doanh nghiệp ký với người lao động có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công, không trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

4. Chi phí tiền ăn giữa ca, ăn trưa

- Nếu doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn, mức khống chế tối đa tiền ăn giữa ca 730.000 đồng/người/tháng được áp dụng từ 01/01/2016 (trước mức khống chế 680.000 đồng/người/tháng).

- Nếu tổ chức nấu ăn, được trừ toàn bộ nếu chứng minh được có dụng cụ nấu ăn, hóa đơn chi phí nguyên vật liệu để nấu ăn...

5. Chi phí trang phục:

- Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ.

Không tính vào chi phí được trừ đối phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

-Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ (bỏ mức khống chế). (Thông tư 96/2015/TT-BTC).

Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.

6. Chi phí trích bảo hiểm bắt buộc, kinh phí công đoàn:

- Phần trích nộp các quỹ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định (quá 20 lần mức lương tối thiểu chung); phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động vượt mức quy định (2%).

- Doanh nghiệp không đóng BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ cho người lao động theo đúng quy định sẽ không được tính vào chi phí hợp lý (phần trích chi phí đó) khi quyết toán thuế TNDN (công văn 7040/CT-TT1).

7. Công tác phí:

- Đi công tác không phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không có chứng từ hợp lệ theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán (Thông tư 96/2015/TT-BTC đã bỏ mức khống chế).

Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

8. Chi phí trả lãi tiền vay:

- Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

9. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính:

- Vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê.

- Vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.


10. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ bị khống chế 3 triệu đồng


Theo Nghị định 146/2017/NĐ-CP, kể từ ngày 01/02/2018, "Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" sẽ không được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »