Có giá vốn mà không có doanh thu liệu có vi phạm nguyên tắc phù hợp?

Ghi nhận giá vốn mà không có doanh thu không vi phạm nguyên tắc phù hợp.
Thường thì khi ghi nhận doanh thu thì kế toán sẽ ghi nhận một khoản giá vốn tương ứng, liệu có trường hợp nào tài khoản doanh thu không phát sinh mà giá vốn thì đã có? có phải kế toán đã hạch toán sai?

Nếu bạn đọc một báo cáo kế toán, báo cáo tài chính của một doanh nghiệp nào đó có trường hợp tương tự thì khoan vội kết luận họ đã làm sai, mà nên tìm hiểu các hồ sơ khác (như thuyết minh báo cáo tài chính) để hiểu đúng vấn đề hơn.

Không phát sinh doanh thu mà có giá vốn?

Giá vốn là một loại chi phí lớn liên quan đến bán hàng, giá thành nên rất hay bị các "đối tượng" soi xét. Có lẻ chúng ta nên tìm hiểu kết cấu tài khoản 632- giá vốn hàng bán để rõ hơn vấn đề.

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC thì bên nợ TK 632 (kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên) được quy định như sau:

"Bên Nợ:

- Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phản ánh:

+ Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ.

+ Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ;

+ Các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra;

+ Chi phí xây dựng, tự chế TSCĐ vượt trên mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng, tự chế hoàn thành;

+ Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập năm nay lớn hơn số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết).

- Đối với hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư, phản ánh:

+ Số khấu hao BĐS đầu tư dùng để cho thuê hoạt động trích trong kỳ;

+ Chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS đầu tư không đủ điều kiện tính vào nguyên giá BĐS đầu tư;
...".

Quy định trên cho thấy rằng, có những khoản giá vốn ghi nhận trong kỳ hiện tại có hoặc không có liên quan đến doanh thu. Chẳng hạn như trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất do hao hụt, mất mác hàng tồn kho được ghi tăng giá vốn (không liên quan doanh thu) ...

Ghi nhận giá vốn mà không có doanh thu liệu có vi phạm nguyên tắc phù hợp?

Theo Chuẩn mục số 1- Chuẩn mục chung thì nguyên tắc phù hợp được trình bày như sau:

"Phù hợp

6.   Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương  ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.".

Rõ ràng, nguyên tắc phù hợp quy định khi kế toán 'ghi nhận doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng' tạo ra doanh thu đó, mà Chuẩn mục không quy định khi 'ghi nhận chi phí thì phải có doanh thu'.

Như vậy, về mặt nghiệp vụ, ghi nhận giá vốn mà không có doanh thu không vi phạm nguyên tắc phù hợp. Thực tế, một số báo cáo tài chính của doanh nghiệp có giá vốn mà không có doanh thu cũng là "bình thường", tất nhiên nó sẽ được giải trình trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Chi phí lãi vay lớn hơn chi phí tài chính?

Chúng ta biết rằng, chi phí tài chính bao gồm nhiều chi phí như: lãi vay, chiết khấu thanh toán, lỗ bán ngoại tệ, tỷ giá, trích lập/hoàn nhập dự phòng chứng khoán ...

Tham khảo kết cấu tài khoản 635- chi phí tài chính (Thông tư 200/2014/TT-BTC):

"Bên Nợ:

- Chi phí lãi tiền vay, lãi mua hàng trả chậm, lãi thuê tài sản thuê tài chính;

- Lỗ bán ngoại tệ;

- Chiết khấu thanh toán cho người mua;

- Các khoản lỗ do thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư;

- Lỗ tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ; Lỗ tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cuối năm tài chính các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;

- Số trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác;

- Các khoản chi phí của hoạt động đầu tư tài chính khác.

Bên Có:

- Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập năm trước chưa sử dụng hết);

- Các khoản được ghi giảm chi phí tài chính;
...".

Liệu bạn có từng đọc một báo cáo tài chính nào mà chi phí lãi vay ghi trên bảng kết quả hoạt động kinh doanh lớn hơn chi phí tài chính không?

Nếu chưa, mời bạn tham khảo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2018 (đã kiểm toán) của Công Ty Cổ Phần Cơ Điện Lanh (Ree) công khai trên sàn chứng khoán:

Có giá vốn mà không có doanh thu liệu có vi phạm nguyên tắc phù hợp?

(Trich bảng Kết quả kinh doanh năm 2018 của Ree Corp)

Chi phí tài chính năm 2018 chiếm 111.471.248.186 đồng nhưng trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 224.927.404.624 đồng, cao gấp đôi so với chi phí tài chính. Điều này liệu kế toán có nhầm lẫn gì không?

Phải chăng trong năm 2018 công ty này đã hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh? Có lẻ chúng ta nên đọc tiếp mục thuyết minh báo cáo tài chính của phần này trước khi đưa ra nhận xét:

Có giá vốn mà không có doanh thu liệu có vi phạm nguyên tắc phù hợp?

(Trích bảng thuyết minh BCTC 2018 của Ree Corp, mục 27- Chi phí tài chính)

Không ngoài dự đoán, năm 2018 Ree hoàn nhập khoản trích lập dự phòng các khoản đầu tư tới hơn 123 tỷ đồng đã dẫn tới chi phí lãi vay ghi trên bảng Kết quả hoạt động kinh doanh năm báo cáo cao hơn gấp đôi chi phí tài chính.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »