Phân tích cơ bản với hệ số hiệu quả hoạt động

Phân tích cơ bản với hệ số hiệu quả hoạt động
Các hệ số hiệu quả hoạt động là một phần quan trọng trong phân tích tài chính của một doanh nghiệp, nó cho thấy tinh hình luân chuyển hàng hóa, vốn ... trong doanh nghiệp, nó cho thấy doanh nghiệp đang ở trong tình trạng tốt hay xấu.

1. Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover)

Công thức tính:

Hệ số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn / Hàng tồn kho bình quân

Ý nghĩa:

- Vòng quay hàng tồn kho thể hiện số lần mà hàng tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ, thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho của doanh nghiệp tốt hay kém.

- Hệ số này cao cho thấy tốc độ quay vòng của hàng hóa trong kho là nhanh, cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và ngược lại, nếu hệ số này nhỏ thì tốc độ quay vòng hàng tồn kho thấp. 

Tuy nhiên, tùy vào đặc thù của từng ngành, giai đoạn mà đánh giá đúng đắn về hàng hóa tồn kho, không hẳn hàng tồn kho nhiều là xấu. Chẳng hạn, khi giá nguyên liệu giảm mạnh, doanh nghiệp mạnh tay mua vào (nên hệ số này thấp) và nó là khoản lợi lớn trong tương lai gần; hay dự trữ hàng tồn kho thấp doanh nghiệp có thể đánh mất cơ hội khi nhu cầu thị trường tăng mạnh đột ngột.

* Sử dụng công thức: 360 / Vòng quay hàng tồn kho, để ước tính số ngày hàng hóa tồn kho trung bình trong một kỳ kinh doanh trước khi xuất bán. 

2. Hệ số vòng quay các khoản phải thu (Receivable Turnover)

Công thức tính:

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu thuần / các khoản phải thu bình quân

Ý nghĩa:

- Hệ số này phản ánh khả năng bị chiếm dụng vốn của doanh nghiệp bởi nhà cung cấp. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu quá thấp cho thấy doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn cao, nợ chưa thu được lớn, rủi ro về khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

- Vòng quay các khoản phải thu lớn (các khoản phải thu nhỏ) thể hiện chính sách về thanh toán của công ty khá chặt chẽ, đảm bảo thanh khoản nhưng cũng có thể khiến doanh thu giảm do quá cứng nhắc trong giao dịch với khách hàng.

* Sử dụng công thức: 360 / Vòng quay các khoản phải thu, để ước tính số ngày bị chiếm dụng vốn trong một kỳ kinh doanh.

3. Hệ số vòng quay các khoản phải trả (Payable Turnover)

Công thức tính:

Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng / các khoản phải trả binh quân

Ý nghĩa:

Hệ số khoản phải trả phản ánh khả năng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp đối với nhà cung cấp. Hệ số này quá thấp, doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn cao của khách hàng, có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp vì nợ phải trả cao.

Nếu chỉ số Vòng quay các khoản phải trả quá nhỏ (các khoản phải trả lớn), sẽ tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc chiếm dụng khoản vốn này có thể sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí về vốn, đồng thời thể hiện uy tín về quan hệ thanh toán đối với nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm đối với khách hàng.

4. Hệ số vòng quay của tổng tài sản (Asset Turnover Ratio)

Công thức tính:

Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân

Ý nghĩa:

- Hệ số vòng quay tổng tài sản dùng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tài sản của công ty, cho thấy mỗi một đồng tài sản có bao nhiêu đồng doanh thu được tạo ra.

- Hệ số vòng quay tổng tài sản càng cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài sản của công ty vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả.

Lưu ý:

Các chỉ tiêu "bình quân" được tính bằng trung bình đầu kỳ và cuối kỳ, ví dụ: hàng tồn kho bình quân = (Hàng tồn kho đầu kỳ + Hàng tồn kho cuối kỳ) / 2.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »