Điểm mới về đăng ký cấp giấy phép lao động người nước ngoài từ 02/10/2017

Điểm mới về đăng ký cấp giấy phép lao động người nước ngoài từ 02/10/2017
Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/08/2017 của Bộ lao động- Thương binh và xã hội quy định người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài phải khai trình thông tin sử dụng lao động người nước ngoài đến cơ quan quản lý.

Theo đó,

Phải thông báo nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài:

Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan chấp thuận qua cổng thông tin điện tử, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, 5 và 8 Điều 172 Bộ luật Lao động và Điểm e và h Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.

Đăng ký cấp giấy phép lao động người nước ngoài:

Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.

Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để nhận kết quả (trong vòng 08 giờ làm việc kể từ khi cơ quan này nhận được hồ sơ gốc).

Hồ sơ đề nghị cấp phép lao động Điều 10 (Nghị định số 11/2016/NĐ-CP), gồm:


- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.

- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.

- Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

- 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.

- Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài (văn bản cử sang Việt nam làm việc, hợp đồng lao động, thỏa thuận ký kết giữa các đối tác ...).

- Một số giấy tờ của các trường hợp đặc biệt khác.

Đăng ký cấp lại giấy phép lao động người nước ngoài:

Trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.

Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để nhận kết quả (trong vòng 08 giờ làm việc kể từ khi cơ quan này nhận được hồ sơ gốc).

Theo Điều 14 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, hồ sơ cấp lại bao gồm:


- Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

- Giấy phép lao động đã được cấp (hoặc giấy xác nhận của Công an nếu bị mất), giấy tờ chứng minh thay đổi (nếu có).

Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cũng phải khai báo:

Trước ít nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 172 của Bộ luật Lao động và Điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP.

Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để nhận kết quả (trong vòng 08 giờ làm việc kể từ khi cơ quan này nhận được hồ sơ gốc).
...

Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 02/10/2017. Người sử dụng lao động nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động; hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép lao động; hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo 2 phương thức: qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép lao động.

Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »