Sẽ có nhiều kế toán mất việc khi Luật kế toán mới có hiệu lực?

Sẽ có nhiều kế toán mất việc khi Luật kế toán mới có hiệu lực?
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) tỏ ra lo lắng khi dự thảo luật kế toán (sửa đổi) đã có nhiều điều khoản triệt tiêu cơ hội làm nghề kế toán của các cá nhân và doanh nghiệp.

Theo dự thảo luật kế toán sửa đổi, các cá nhân sẽ không được làm nghề kế toán độc lập. Quy định này, theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng là nhằm loại bỏ số lượng lớn những người làm nghế kế toàn bất hợp pháp.

Quy định cứng nhắc

Tuy nhiên, ông Tùng không đồng ý quy định như vậy bởi lẽ: “Thay vì đề ra luật để xử lý những người vi phạm thì lại cấm. Đây có phải là không quản được thì cấm”-  ông Tùng đặt vấn đề với ban soạn thảo.

Theo ông Tùng, quy định này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vì bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần dịch vụ của những người hoạt động kế toán theo tư cách cá nhân.

Ngoài ra, quy định theo dự thảo buộc những người góp vốn vào các công ty TNHH hai thành viên trở lên để cung cấp dịch vụ kế toán phải có bằng cấp và góp trên 50% vốn, theo ông Tùng cũng là quá khắt khe và không phù hợp.

“Nghề kế toán chủ yếu dựa vào kỹ năng chứ không phải vốn. Hơn nữa người góp vốn chưa hẳn đã là người trực tiếp làm nghề. Quy định như vậy quá cứng nhắc”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cảnh báo: “Quy định như vậy khác nào triệt tiêu cơ hội của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh dịch vụ này”.

Góp ý thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nghề kế toán hiện nay phát triển rất nhanh nhưng với quy định khắt khe về chứng chỉ hành nghề theo luật kế toán sửa đổi thì có khả năng sẽ “cấm cửa” hết những người đang theo nghề kế toán.

Cụ thể, dự thảo quy định làm nghề kế toán phải có bằng đại học, trong khi theo đại biểu Thuyền chỉ cần trung cấp là làm tốt và hàng ngàn doanh nghiệp hiện đang thuê đội ngũ trung cấp này làm dịch vụ.

Chưa hết, nếu dự thảo được thông qua bao gồm quy định này thì đến tháng 7-2016, khi luật có hiệu lực, hàng ngàn người làm nghề kế toán có bằng trung cấp sẽ mất việc.

“Lộ trình như vậy làm sao đảm bảo được, cần biết bao nhiêu năm mới đào tạo đủ người làm kế toán có trình độ đại học ?” – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bức xúc.

Ông Thuyền cũng đề nghị phải bỏ quy định bắt buộc vào Hội nghề nghiệp kế toán thì mới được làm nghề vì theo ông, tham gia hội là quyền của mỗi người, không việc gì phải quy định trong luật.

Bộ tài chính vẫn giữ quan điểm về Luật kế tóan sửa đổi

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận cần phải giải thích rõ hơn cho dư luận hiểu về các quy định mới này. Nhưng ông cho rằng, người làm kế toán trong doanh nghiệp thì trung cấp, sơ cấp cũng có thể làm được. Trừ kế toán trưởng là phải có bằng cấp cao hơn.

Còn những người làm kế toán viên độc lập thì tiến tới yêu cầu phải có trình độ cao hơn chứ không như hiện nay. Bắt buộc phải có bằng đại học, phải có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu cao hơn trước đây.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Quan điểm của Bộ Tài Chính là kế toán viên độc lập phải có bằng cấp cao hơn, yêu cầu cao hơn với kế toán đang làm trong các doanh nghiệp. Tinh thần là phải giải thích cho người dân hiểu. 

Làm kế toán ở doanh nghiệp chỉ nạp dữ liệu vào là máy ra kết quả. Nhưng anh hành nghề kế toán viên khác. Hai đẳng cấp khác nhau, yêu cầu trình độ cao hơn. Trong luật kế toán vừa rồi còn thiếu khái niệm là người làm “công tác kế toán”, chúng tôi sẽ bổ sung để mọi người phân biệt với người “hành nghề kế toán”, tránh hiểu nhầm.

Liên quan đến việc Luật mới thông qua sẽ có nhiều kế toán mất việc làm do không đáp ứng đủ điều kiện, ông Dũng bộc bạch: "Tôi thấy không nhiều, tôi không nhớ rõ nhưng độ vài nghìn người thôi. Trong đó có những người đang làm ở các công ty kiểm toán độc lập và đã có chứng chỉ quốc tế".

Về việc dự luật kế toán sửa đổi quy định không chỉ bằng cấp mà phải vào hội nghề nghiệp kế toán mới được cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ trưởng Dũng cho rằng: "Cái này phải tiến tới chuyên nghiệp, phải vào hội nghề nghiệp thì hoạt động mới chuyên nghiệp và quy củ được. Tiến tới sẽ xã hội hóa, giao cho hội nghề nghiệp nhiều chức năng hơn, Nhà nước chỉ quản lý về mặt vĩ mô".
(Theo tuoitre)

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »