Thời điểm xác định doanh thu, tính thuế hàng hóa, dịch vụ?

Thời điểm xác định doanh thu, tính thuế hàng hóa, dịch vụ
Quy định của Luật thuế được cho là ngày càng gần với các quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa thuế và kế toán như việc xác định doanh thu, tính thuế.

Khi nào kế toán được quyền xác định doanh thu? tính thuế GTGT, thuế TNDN khi nào? thời điểm xác định doanh thu và tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ có cùng một thời điểm? ... là những băn khoăn không ít của các bạn làm kế toán, bởi xử lý không khéo lại rơi vào tình huống xuất hóa đơn sai thời điểm.

Thời điểm xác định doanh thu theo kế toán

Xác định doanh thu theo Chuẩn mực kế toán số 14: 

"Doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả năm (5) điều kiện sau:

(a) Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua;

(b) Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

(c) Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

(d) Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

(e) Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng".

Theo chế độ kế toán hiện hành (Điều 79 Thông tư 200/2014/TT-BTC), điều kiện ghi nhận doanh thu được xác định như sau:

"a) Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua;

- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);

- Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

- Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

b) Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại dịch vụ đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại dịch vụ đã cung cấp;

- Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;

- Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào thời điểm báo cáo;

- Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó."

Như vậy, theo Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán hiện hành thì doanh thu được xác định khi đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho người mua. Nói ngắn gọn là, doanh thu được xác định khi đã giao hàng hoặc đã cung ứng dịch vụ cho người mua và người mua chấp nhận thanh toán.

Xác định doanh thu tính thuế theo Luật thuế

Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, cụ thể tại Điều 3 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) như sau:

2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

a) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC.

c) Đối với hoạt động vận tải hàng không là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua.

d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Đến đây, quy định về thời điểm xác định doanh thu của Chế độ kế toán và Luật thuế TNDN là đồng nhất với nhau, tức doanh thu được xác định khi đã giao hàng hoặc hoàn thành (từng phần) cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên theo Luật thuế GTGT, thời điểm viết hóa đơn quy định tại khoản 2a Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC lại quy định như sau:

"a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền..."


Theo Thông tư Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thuế GTGT quy định như sau:

"1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền".

Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thuế GTGT dịch vụ là thời điểm lập hóa đơn, nên việc lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền, trước khi cung ứng dịch vụ (chữ đậm, Thông tư 39 trên) đã phát sinh nghĩa vụ nộp thuế dù doanh nghiệp chưa được ghi nhận doanh thu theo Chế độ kế toán cũng như Luật thuế TNDN.

Rõ ràng quy định "trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền" của Thông tư 39/2014/TT-BTC đã gây "khó" cho những người thực hiện, gây ra nhiều tranh cải bởi nó trái với chuẩn mực ghi nhận doanh thu. Chưa kể tiền ứng trước, tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng dịch vụ tại thời điểm nhận tiền có phải xuất hóa đơn không?

Vì lẻ đó mà Bộ tài chính phải có Công văn 13675/BTC-CST ngày 14/10/2013 giải thích và công nhận tại thời điểm nhận tiền đặt cọc thì tổ chức cung ứng dịch vụ không phải xuất hóa đơn. Toàn văn Công văn 13675/BTC-CST như sau:

    BỘ TÀI CHÍNH                             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
          ..........                                                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
                                                                             ................
Số 13675/BTC-CST
V/v thời điểm phát hành hoá đơn đối với
hoạt động cung cấp dịch vụ


Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2013



                         Kính gửi:        - Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam;
                                                 - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC;
                                                 - Công ty CP tư vấn đường cao tốc Việt Nam.



Bộ Tài chính nhận được văn bản số 150-2013/VACPA ngày 22/5/2013 của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), văn bản số 396/2013/CV-AASCTH ngày 05/6/2013 của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, văn bản số 167/TCKT-VECC ngày 20/8/2013 của Công ty CP tư vấn đường cao tốc Việt Nam hỏi về thời điểm phát hành hóa đơn của các đơn vị cung ứng dịch vụ như: dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính, kế toán, thuế, thẩm định giá; dịch vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dịch vụ cung cấp chuyên gia tư vấn giám sát. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thì:

Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng; nhận tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để bảo đảm thực hiện hợp đồng (tại thời điểm nhận tiền chưa cung cấp dịch vụ, chưa thực hiện hợp đồng) thì tổ chức cung ứng dịch vụ không phải xuất hóa đơn GTGT đối với khoản tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để bảo đảm thực hiện hợp đồng này.

Bộ Tài chính trả lời Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam biết để hướng dẫn các hội viên, các doanh nghiệp biết để thực hiện.



                                         TL. BỘ TRƯỞNG
                                     VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ




                                         Ngô Hữu Lợi

Mặc dù ngày ban hành Công văn 13675/BTC-CST trước ngày Thông tư 39/2014/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực nhưng cũng cho thấy rằng, chính sách thuế hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập, thiếu nhất quán gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vậy xác định doanh thu/ chi phí, thu nhập tính thuế như thế nào? theo Luật thuế hay theo Chuẩn mực, Chế độ kế toán?

Câu trả lời rõ ràng nhất có lẻ là: doanh thu (chi phí) kế toán thì hạch toán theo Chuẩn mực, Chế độ kế toán; doanh thu tính thuế TNDN thì xác định theo Luật thuế TNDN; xác định thuế GTGT thì theo quy định của Luật thuế GTGT.

Chẳng hạn, khi nhận trước tiền dịch vụ kế toán xuất hóa đơn, chỉ ghi nhận số thuế GTGT phải nộp (Nợ TK 111, 112/ Có TK 3331); Khi đã hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua thì kế toán mới ghi nhận doanh thu (chi phí) tương ứng.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »