Hàng thuê ngoài gia công cần chứng từ gì, hạch toán thế nào?

Hàng thuê ngoài gia công cần chứng từ gì, hạch toán thế nào?
Gia công là hình thức sản xuất được các doanh nghiệp áp dụng khá phổ biến kế toán cần tổ chức hạch toán chặt chẻ để theo dõi, quản trị chi phí.
Gia công là gì?

Gia công là là một khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà ở đó, bên đặt gia công cung cấp nguyên liệu (hay bán thành phẩm và có thể cả máy móc) cho bên nhận gia công sản xuất, chế biến một sản phẩm nào đó để nhận một khoản thù lao theo yêu cầu và thỏa thuận giữa hai bên. Nói cách khác, gia công là lấy công làm lời, nguyên liệu do bên đặt gia công cung cấp.

Thường việc thuê ngoài gia công do tính đặc thù của doanh nghiệp, có thể là công đoạn chế biến sản phẩm đó doanh nghiệp chưa làm được, hoặc nếu làm được thì chậm, chi phí cao hơn thuê ngoài ... Do thuê gia công doanh nghiệp không phải tổ chức sản xuất nên giảm được chi phí mặt bằng, chi phí đào tạo, quản lý ... và "tiết kiệm" một khoản đóng bảo cho người lao động.

Hàng gia công có phải xuất hóa đơn không?

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư liên tịch số: 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/05/2015:

5. Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển bán thành phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu để gia công lại tại cơ sở gia công khác thì phải có Hợp đồng gia công lại kèm theo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động".

Mặt khác, khoản 8 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC giá tính thuế hàng gia công quy định như sau:

"8. Đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa".

Cũng theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Điều 11 quy định về thuế suất thuế GTGT:

Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này".

Tiền gia công không quy định tại Điều 4, Điều 9, Điều 10 nên thuế suất thuế GTGT hoạt động này được hiểu là 10%.

Như vậy, hàng xuất đi gia công không phải xuất hóa đơn, chứng từ bao gồm Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động liên quan đến hóa đó,

Khi xuất trả hàng gia công, chứng từ bao gồm phiếu xuất kho (theo giá đã bao gồm phí tăng thêm) kèm hóa đơn GTGT thuế suất 10% tiền thù lao theo hợp đồng gia công thỏa thuận giữa hai bên.

Hàng gia công từ khu phi thuế quan có chịu thuế xuất, nhập khẩu?

- Trước ngày 01/09/2016: Hàng hóa, vật tư xuất vào khu phi thuế quan để gia công được miễn thuế xuất khẩu; khi nhập khẩu trở lại nội địa thì phải nộp thuế nhập khẩu phần hàng hóa tăng thêm.

- Từ ngày 01/06/2016: Hàng hóa, vật tư xuất vào khu phi thuế quan để gia công sau đó nhập lại thị trường nội địa thì toàn bộ hàng hóa đó được miễn thuế xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu.

Xem thêm tại đây.

Hướng dẫn hạch toán hàng gia công

+ Đối với bên đặt gia công:

Khi xuất hàng đi gia công, kế toán phải ghi phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (đã đăng ký, phát hành với cơ quan thuế) kèm lệnh điều động của doanh nghiệp để vận chuyển hàng hóa đến nơi gia công, ghi:

Nợ TK 154 (chi tiết theo đơn hàng)

    Có TK 152, 153, 155 ...

Phản ánh tiền gia công hàng hóa, ghi:

Nợ TK 154 (chi tiết theo đơn hàng)

    Có TK 111, 112, 331 (tiền gia công hàng hóa).

Khi nhận lại hàng gia công, căn cứ phiếu nhập kho, hợp đồng gia công, kế toán ghi:

Nợ TK 152, 153, 155 ... (bao gồm phí gia công)
Nợ TK 133 thuế GTGT tiền phí gia công, nếu có.

    Có TK 154 (chi tiết theo đơn hàng).

+ Đối với bên nhận gia công:

Khi nhận vật liệu, máy móc (nếu có) do bên đặt gia công chuyển giao kế toán không định khoản mà theo dõi chi tiết trên sổ kế toán nội bộ nhằm quản lý và thuyết minh khi lập báo cáo tài chính.

Khi phát sinh chi phí gia công (thường là tiền nhân công, điện, nước ...) kế toán tổng hợp chi tiết theo từng đơn hàng, ghi:

Nợ TK 622, 627, 621 (nếu có) ...

    Có TK 111, 112, 334, 338 ...

(Nếu áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa (Thông tư 133/2016/TT-BTC), ghi:

Nợ TK 154/ Có các TK liên quan).

Khi kết thúc đơn hàng, kế toán ghi:

Nợ TK 154 (chi tiết theo đơn hàng gia công).

   Có TK 622, 627, 621 (nếu có) ...

Sản phẩm hoàn thành nhập kho chờ xuất trả bên đặt gia công, kế toán không định khoản mà chỉ theo dõi chi tiết trên sổ kế toán nội bộ.

Xác nhận khoản doanh thu về tiền gia công, kế toán xuất hóa đơn tiền gia công được hưởng:

Nợ TK 111, 112, 131

    Có TK 511
    Có TK 3331 (nếu có).

Đồng thời ghi nhận chi phí, giá vốn hoạt động gia công:

Nợ TK 632

    Có TK 154
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »