Kế toán các khoản giảm trừ doanh thu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC


Hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC có hiệu lực từ năm tài chính năm 2015, thì các khoản giảm giá, chiết khấu, hàng bán bị trả lại chỉ hạch toán duy nhất trên tài khoản 521- Các khoản giảm trừ doanh thu.

Tài khoản 521 dùng để phản ánh, điều chỉnh giảm trừ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ gồm: Chiết khấu thương mại (TK 5211), giảm giá hàng bán (TK5213), hàng bán bị trả lại (TK 5212).

Tài khoản 521 không dùng phản ánh các khoản thuế được giảm trừ doanh thu như: thuế GTGT đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp.

1. Nguyên tắc kế toán


a/ Không hạch toán vào tài khoản 521 các trường hợp sau:

- Trường hợp xác định được số tiền chiết khấu khi bán hàng số lượng lớn, kế toán được thể hiện khoản chiết khấu thương mại trên hóa đơn GTGT hay hóa đơn bán hàng là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán là giá đã trừ chiết khấu thương mại- doanh thu thuần) và kế toán không sử dụng tài khoản 521 để hạch toán.

- Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách đã cam kết. Kế toán đã giảm trừ khoản giảm giá vào số tiền trên hóa đơn cho người mua (giá bán là giá đã giảm) thì cũng không sử dụng tài khoản này để hạch toán. 

b/ Hạch toán vào tài khoản 521 các trường hợp sau:

- Trường hợp không xác định được số tiền chiết khấu, như: số tiền chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng, (mua nhiều lần), giá chưa trừ chiết khấu; cuối kỳ mới xác định được số lượng hàng bán và chiết khấu (đại lý, siêu thị), thì kế toán sử dụng tài khoản 521 để hạch toán.

- Chỉ phản ánh vào tài khoản này các khoản giảm trừ do việc chấp thuận giảm giá sau khi đã bán hàng (đã ghi nhận doanh thu) và phát hành hoá đơn (giảm giá ngoài hoá đơn) do hàng bán kém, mất phẩm chất ...

- Đối với hàng bán bị trả lại, tài khoản 521 dùng để phản ánh giá trị của số sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân, như: vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

2. Phương pháp hạch toán


- Phản ánh số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán thực tế phát sinh trong kỳ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213) 

Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm) 
     
      Có các TK 111,112,131,...

- Khi doanh nghiệp nhận lại sản phẩm, hàng hóa bị trả lại, kế toán phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại:

+ Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 155 - Thành phẩm

Nợ TK 156 - Hàng hóa

      Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.

+ Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, ghi:

Nợ TK 611 - Mua hàng (đối với hàng hóa)

Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất (đối với sản phẩm)

      Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.

- Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 5212 - Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311) (thuế GTGT hàng bị trả lại)

      Có các TK 111, 112, 131, ...

- Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), ghi:

Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng

      Có các TK 111, 112, 141, 334,...

* Cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi: 

Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

      Có TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu.

Lưu ý:
Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác (như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm ....), bản chất là giảm giá hàng bán, thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán. 
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »