Tài khoản vốn chủ sở hữu áp dụng doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư 132/2018/TT-BTC

Tài khoản vốn chủ sở hữu áp dụng doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư 132/2018/TT-BTC
Chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019, được áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019.

Tài khoản 411 (4111, 4118)- Vốn chủ sở hữu ban hành bởi Thông tư 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế.

TÀI KHOẢN 411- VỐN CHỦ SỞ HỮU

1. Nguyên tắc kế toán

1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh vốn do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu. Ngoài ra, tài khoản này còn phản ánh kết quả kinh doanh (lãi, lỗ) sau thuế TNDN và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp siêu nhỏ.

1.2. Vốn đầu tư của chủ sở hữu bao gồm vốn góp ban đầu, góp bổ sung của các chủ sở hữu và vốn khác được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

1.3. Các doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ hạch toán vào TK 4111 “Vốn góp của chủ sở hữu” theo số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp, không được ghi nhận theo số cam kết góp vốn của các chủ sở hữu.

1.4. Doanh nghiệp siêu nhỏ phải tổ chức hạch toán chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn (như vốn góp của chủ sở hữu và vốn khác) và theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn.

1.5. Vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm khi doanh nghiệp siêu nhỏ trả lại vốn cho chủ sở hữu, bù lỗ kinh doanh hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

1.6. Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phải phản ánh tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu theo giá đánh giá lại của tài sản được các bên góp vốn chấp nhận.

1.7. Việc phân chia lợi nhuận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện theo quyết định của chủ sở hữu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 411 - Vốn chủ sở hữu

Bên Nợ:

-  Hoàn trả lại vốn góp cho các chủ sở hữu;

- Kết chuyển lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Chia cổ tức, lợi nhuận cho các chủ sở hữu.

Bên Có:

- Nhận vốn góp của các chủ sở hữu;

- Kết chuyển lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp trong kỳ.

Tài khoản 411 có thể có số dư bên Nợ hoặc bên Có

Số dư bên Có: Vốn chủ sở hữu hiện có của doanh nghiệp cuối kỳ. Trường hợp doanh nghiệp có số dư bên Nợ khi số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh lớn hơn số vốn góp của chủ sở hữu.

Tài khoản 411 – Vốn chủ sở hữu có 02 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu: Phản ánh số vốn do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu.

- Tài khoản 4118 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: Phản ánh kết quả kinh doanh (lãi, lỗ) sau thuế TNDN và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp siêu nhỏ.

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

3.1. Khi thực nhận vốn góp của các chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 111 - Tiền (nếu nhận vốn góp bằng tiền)

Nợ TK 152 - Hàng tồn kho (nếu nhận vốn góp bằng hàng tồn kho)

Nợ TK 211 - Tài sản cố định (nếu nhận vốn góp bằng TSCĐ)

        Có TK  411 - Vốn chủ sở hữu (4111).

Khi hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu ghi ngược lại các bút toán trên

3.2. Khi doanh nghiệp quyết định bổ sung vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, ghi:

Nợ TK 4118 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.

3.3. Cuối kỳ kế toán, xác định kết quả hoạt động kinh doanh:

- Trường hợp lãi, ghi:

Nợ TK  9111 - Doanh thu và thu nhập (91111, 91118)

       Có TK 4118 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

- Trường hợp lỗ, ghi:

Nợ TK 4118 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 9111 - Doanh thu và thu nhập (91111, 91118).

3.4. Khi có quyết định hoặc thông báo trả lợi nhuận, cổ tức cho các chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 4118 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 331 - Các khoản nợ phải trả (3318).

- Khi trả lợi nhuận, cổ tức cho các chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 331 - Các khoản nợ phải trả (3318)

Có TK 111 - Tiền.
(Theo Thông tư 132/2018/TT-BTC)

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »