Xử lý hàng trả lại khi đã lập báo cáo tài chính, kê khai thuế

Xử lý hàng trả lại khi đã lập báo cáo tài chính, kê khai thuế
Những lô hàng bị trả lại quá lớn (nhất là hàng nông, thủy sản xuất khẩu) gây những tổn thất tài chính nghiêm trọng cho doanh nghiệp, có thể dẫn đến phá sản, giải thể.

Hàng bị trả về nhưng doanh nghiệp đã nộp các loại thuế, kể cả thuế TNDN thì việc xử lý không hề đơn giản. Bài viết sau sẽ đề cập hướng xử lý các loại thuế liên quan đến hàng bị trả lại và hướng dẫn một số nghiệp vụ kế toán liên quan đến vấn đề này.

Về thuế TNDN:

Theo điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC nguyên tắc hạch toán hàng trả lại được quy định như sau:

"... Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:

+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).

+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau)".

Như vậy, hàng bán bị trả lại trước thời điểm phát hành BCTC thì kế toán bên bán hàng được ghi giảm doanh thu trong kỳ báo cáo; hàng trả lại sau thời điểm phát hành BCTC điều chỉnh, giảm doanh thu kỳ kế toán hiện hành. Theo đó, kế toán điều chỉnh, giảm số thuế TNDN đã nộp quý/ năm (nếu có).

* Lưu ý, cần phân biệt thời điểm lập BCTC và thời điểm phát hành BCTC: Thời điểm lập BCTC (năm) là ngày 31/12, còn thời điểm phát hành BCTC là ngày hoàn tất BCTC, được ký duyệt và cung cấp báo cáo cho Hội đồng quản trị, các cá nhân, tổ chức có lợi ích liên quan.

Về thuế GTGT:

Theo quy định tại điều 2.8 Phụ lục số 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về việc trả lại hàng như sau:

2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).

Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC) quy định như sau:

1. Bổ sung điểm g khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:

“g) Cơ sở kinh doanh không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định”.

Như vậy, hàng bán trả lại thì bên mua phải xuất hóa đơn (hoặc hai bên lập biên bản nếu bên mua thuộc đối tượng không có hóa đơn) trả lại hàng cho bên bán, trường hợp hàng nhập khẩu bị trả lại thì doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

Căn cứ hóa đơn bên mua xuất trả hàng cho bên bán, hai bên sẽ thực hiện điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng như sau:

Đơn vị bán kê giảm vào các chỉ tiêu tương ứng tại mục II-Hàng hóa dịch vụ bán ra trong kỳ trên tờ khai 01/GTGT (hàng hóa trả lại chịu thuế suất thuế GTGT là 10% thì: điều chỉnh giảm doanh số tại chỉ tiêu (32); thuế GTGT ghi nhận giảm đưa vào chỉ tiêu (33)).

Đơn vị mua điều chỉnh doanh số mua tại chỉ tiêu (23), thuế GTGT đầu vào điều chỉnh giảm tại chỉ tiêu (24) và (25) trên tờ khai 01/GTGT.

Hạch toán hàng bán bị trả lại

+ Bên bán (Bên bị trả lại hàng):

 Khi nhận hàng trả lại + hóa đơn hàng bán trả lại bên mua, kế toán thực hiện các bút toán sau:

- Nhập lại hàng: ghi giảm giá vốn của hàng bị trả lại:

Nợ TK 156
     Có TK 632

- Ghi nhận hàng trả lại/ giảm Doanh thu và thuế GTGT tương ứng hàng bị trả lại:

Nợ TK 5212 - Hàng bán bị trả lại (Nếu áp dụng Thông tư 200).
Nợ TK 511 - (Nếu áp dụng Thông tư 133).
Nợ TK 33311 -  (Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, nếu có).

     Có các TK 111, 112, 131,. . .Tổng số tiền trên hóa đơn.

- Nếu có các chi phí liên quan trong quá trình trả lại hàng:

Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng.
Nợ TK 6421 – Chi phí bán hàng.

     Có các TK 111, 112. . .

Kết chuyển hàng trả lại giảm doanh thu vào cuối cuối kỳ nếu doanh nghiệp đang áp dụng Chế độ kế toán theo Thông tư 200:

Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111, 5112)
     Có TK 5212 - Hàng bán bị trả lại

+ Bên mua hàng (Bên trả lại hàng):

Xuất trả hàng + hóa đơn trả lại hàng cho bên bán hàng:

Nợ TK 111, 1121,  331 ... (Tổng giá trị hóa đơn hàng được trả lại).

     Có TK 156, 152, 153 ...  (Hàng hóa trả lại, giá chưa thuế).
     Có TK 1331  - Thuế GTGT (nếu có).
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »