Doanh nghiệp nào phải kiểm toán nội bộ theo Nghị định 05/2019/NĐ-CP?

Doanh nghiệp nào phải kiểm toán nội bộ theo Nghị định 05/2019/NĐ-CP?
Ngày 22/01/2019, lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ.

Theo đó, thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn của kiểm toán nội bộ nhằm đưa ra các mục tiêu sau: Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị; Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao; Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được.

Doanh nghiệp nào phải kiểm toán nội bộ?

Theo quy định tại Nghị định 05/2019/NĐ-CP thì các doanh nghiệp sau bắt buộc phải kiểm toán nội bộ:

- Công ty niêm yết.

- Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Các doanh nghiệp trên có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Việc đi thuê thực hiện kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài các doanh nghiệp bắt buộc thực hiện kiểm toán nội bộ như trên, Nghị định 05/2019/NĐ-CP cũng khuyến khích các loại hình doanh nghiệp khác thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp.

Nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp phải đảm bảo 03 nguyên tắc cơ bản, cụ thể:

- Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.

- Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.

- Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.

Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp đối với kiểm toán nội bộ

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có bằng đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán; Có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra; Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật; Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị …

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo thực hiện đúng và duy trì các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ tối thiểu sau đây:

- Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ; không tham gia các hoạt động phi pháp hay tham gia các hoạt động làm tổn hại đến uy tín của nghề nghiệp, uy tín của đơn vị;

- Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm toán. Người làm công tác kiểm toán nội bộ được đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng chi phối từ các lợi ích cá nhân hoặc từ bất kỳ ai trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình;

- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng các kiến thức, các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong công tác kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;

- Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu của các thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp;

- Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.
...

Nghị định 05/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/04/2019.

Download Nghị định 05/2019/NĐ-CP.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »