Hàng nhập khẩu phi mậu dịch có được khấu trừ thuế?

Hàng nhập khẩu phi mậu dịch có được khấu trừ thuế?
Hàng hóa nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch có được bán không, doanh nghiệp có được đưa vào chi phí, khấu trừ thuế GTGT không?

Hàng hóa phi mậu dịch không phải là cái tên xa lạ nhưng việc xác định thuế, phí gây khá nhiều băn khoăn cho kế toán, khi mà Luật thuế có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, chính sách thuế về hàng nhập khẩu phi mậu dịch có những chuyển biến khá tích cực.

Hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch là gì?

Hàng hóa phi mậu dịch là loại hàng hóa nhập khẩu mà người nhận không phải thanh toán (mang tính phi thương mại) được khai báo trên tờ khai hải quan phi mậu dịch, có thể là một trong các trường hợp sau:

- Quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài;

- Hàng hoá của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức này;

- Hàng hoá viện trợ nhân đạo;

- Hàng hoá tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu của những cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;

- Hàng mẫu không thanh toán;

- Dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc tạm xuất, tạm nhập có thời hạn của cơ quan, tổ chức, của người xuất cảnh, nhập cảnh;

- Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân;

- Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận đơn, hàng hoá mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế;

- Hàng hoá phi mậu dịch khác.

Do vậy, không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu được khai báo theo hình thức phi mậu dịch. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc khai báo hàng hóa của mình trước pháp luật vì hàng phi mậu dịch có liên quan đến chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước.

Hàng hóa nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch có được khấu trừ thuế?

Trước ngày 01/01/2015

Khoản 1, Khoản 2 Điều 15, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 có hiệu lực từ 01/01/2014 quy định như sau.

"Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. 

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT".

>> Các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt 

Như đã thấy, Thông tư số 219/2013/TT-BTC (cũng như các văn bản thuế trước đó) không nói rõ là hàng phi mậu dịch có được khấu trừ thuế GTGT hay là không?

Cơ quan thuế "vịn" vào đó cho rằng hàng phi mậu dịch không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt nên không đủ điều kiện khấu trừ thuế, điển hình là trả lời của Tổng cục thuế tại Công văn 3271/TCT-KK ngày 14/08/2014.

Điều này bất hợp lý, chẳng hạn hàng mẫu không thanh toán thì doanh nghiệp lấy đâu ra chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để trình cho cơ quan thuế, để được khấu trừ thuế (?) Bởi sau khi phục vụ dự án thì hàng mẫu doanh nghiệp có thể sử dụng hoặc bán, hay thanh lý.

Từ ngày 01/01/2015,

Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Thông tư số 151/2014/TT-BTC) có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định như sau:

Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài".

Như vậy, điều kiện khấu trừ thuế GTGT tại Thông tư 26/2015/TT-BTC bổ sung và cho rằng cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng (tức hàng phi mậu dịch) của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thì đủ điều kiện có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tóm lại:

- Trước ngày 01/01/2015: Hàng nhập khẩu phi mậu dịch không được khấu trừ thuế GTGT.

- Từ ngày 01/01/2015: Hàng nhập khẩu phi mậu dịch được khấu trừ thuế GTGT,

Điều kiện khấu trừ thuế:

+ Tờ khai hải quan phi mậu dịch.

+ Chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

+ Chứng từ khác (chứng minh hàng được cho, tặng, hàng mẫu ...).


Hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch có được bán, trao đổi?

Hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào quy định hàng hóa nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch không được phép bán, trao đổi.

Doanh nghiệp được quyền sử dụng hàng biếu, tặng, hàng mẫu ... hợp pháp (có đầy đủ chứng từ như trên) theo đúng pháp luật, đúng mục đích kinh doanh của mình.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo hình thức phi mậu dịch nếu có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và các chứng từ như trên thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT, được đưa giá trị hàng hóa đó vào chi phí tinh thuế TNDN.

Các bạn có thể tham khảo thêm Công văn 10219/CT-TTHT ngày 20/10/2016 của Cục thuế Tp.HCM trả lời về vấn đề này.

Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »