Cá nhân kinh doanh vận tải nộp những loại thuế nào?

Cá nhân kinh doanh vận tải nộp những loại thuế nào?
Gần đây nở rộ loại hình hợp tác kinh doanh vận tải giữa cá nhân với các tổ chức như Uber, Grab, kèm với đó là những băn khoăn về thuế, phí.

Bài viết sau sẽ đề cập rõ hơn về loại hình kinh doanh này.

Cá nhân kinh doanh vận tải (không hợp tác với tổ chức khác như Uber, Grab)

Cá nhân kinh doanh vận tải nộp thuế khoán theo những loại thuế sau:

+ Nộp lệ phí môn bài:

Theo Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và Thông tư số 302/2016/TT-BTC thì mức lệ phí môn bài đối với cá nhân như sau:

STT Doanh thu kê khai/ năm Mức lệ phí môn bài
01 Trên 500 triệu đồng 1.000.000 đồng
02 Từ 300 - 500 triệu đồng    500.000 đồng
03 Từ trên 100 - 300 triệu đồng    300.000 đồng
04 Từ 100 triệu đồng trở xuống                0 đồng

Lưu ý: Cá nhân mới thành lập lập được cấp đăng ký thuế trước 06 tháng đầu năm thì mức lệ phí đóng cả năm; trong 06 tháng cuối năm mức đóng lệ phí là 50% mức lệ phí cả năm.

+ Nộp thuế thuế GTGT và thuế TNCN

Theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì cá nhân kinh doanh vận tải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo mức sau:

Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x 3%.

Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x 1,5%

Trên cơ sở mức doanh thu khoán do cá nhân kinh doanh tự khai; mức doanh thu khoán năm liền trước năm tính thuế; tùy theo từng địa bàn; ... Chi cục Thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để duyệt mức doanh thu khoán ổn định, gửi cho ca nhân kinh doanh (thông tin này công khai tại Chi cục thuế).

Luu ý:

- Doanh thu khoán (doanh thu để tính thuế khoán) là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn (đối với cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế).

- Cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì ngoài việc khai doanh thu khoán, cá nhân tự khai và nộp thuế đối với doanh thu trên hoá đơn vào Báo cáo sử dụng hoá đơn theo mẫu số 01/BC-SDHĐ-CNKD (kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC) theo quý, chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Cá nhân kinh doanh vận tải hợp tác với các tổ chức kinh doanh vận tải (như Uber, Grab)

Tổ chức kinh doanh vận tải như Uber, Grab có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng 4,5% tính trên doanh thu cá nhân được hưởng theo hợp đồng.

Trong đó tỷ lệ thuế GTGT là 3%, tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%.

Lưu ý:

- Doanh thu cá nhân được hưởng theo hợp đồng để tính thuế không bao gồm phần doanh thu của tổ chức kinh doanh vận tải được hưởng (doanh thu mà Uber, Grab được hưởng).

- Trường hợp các cá nhân kinh doanh vận tải đang kê khai, nộp thuế theo phương pháp khoán có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Uber thì doanh thu khoán không bao gồm doanh thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với Uber.

- Trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải chỉ phát sinh hoạt động kinh doanh theo hợp đồng hợp tác với Uber thì không phải kê khai, nộp thuế tại các chi cục Thuế.

- Đối với các khoản tiền thưởng khuyến khích theo doanh thu ngày: không tính thuế GTGT, nhưng nộp thuế TNCN 1% trên tiền thưởng; Đối với khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao: tính thuế TNCN với mức 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Bán, thanh lý tài sản

Trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải hành khách khi bán tài sản (xe) phải nộp thuế GTGT, TNCN và mua hóa đơn lẻ từ cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Theo đó:

Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x 1%.

Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x 0,5%

Lưu ý:

- Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản được xác định theo hợp đồng bán, thanh lý tài sản bao gồm cả các khoản phụ thu, các khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng (nếu có) mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng nếu thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa.

- Cá nhân kinh doanh khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh tại Chi cục thuế nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú) hoặc nơi cá nhân đăng ký kinh doanh đối với Cá nhân kinh doanh buôn chuyến chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh doanh thu tính thuế.

- Trường hợp cá nhân đăng ký kinh doanh vận tải nhưng thực tế không phát sinh doanh thu vận tải hoặc không đủ điều kiện kinh doanh vận tải: cơ quan thuế không cấp/bán hóa đơn lẻ. Cơ quan thuế cũng không cấp hóa đơn lẻ cho cá nhân không kinh doanh bán tài sản.

Hồ sơ khai thuế gồm: Tờ khai theo mẫu số 01/CNKD (kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC), bản sao hợp đồng mua bán, bản sao các giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »