Bỏ trần quảng cáo- một "đột phá" của Luật thuế


Bỏ trần quảng cáo- đột phá của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
Đã rất nhiều lần cộng đồng doanh nghiệp khẩn thiết xin bỏ mức trần quảng cáo, khuyến mại nhưng Bộ tài chính luôn “khất” lần này đến lần khác. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2015, trần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, hỗ trợ tiếp thị… sẽ chính thức được dỡ bỏ. Đây được xem là một bước đột phá của Luật thuế TNDN sửa đổi lần này.

Trước đó, giai đoạn 1999 - 2003, mức trần quảng cáo sản xuất, thương mại và một số ngành nghề đặc thù, là 3%, 5% và 7% tổng chi phí được trừ; từ năm 200 - 2013, áp dụng mức trần quảng cáo thống nhất là 10%; Năm 2014, mức chi phí quảng cáo tối đa được "nới" lên ở mức 15% tổng chi phí được trừ.

Vẫn còn một số ít ý kiến cho rằng không nên bỏ quy định trần quảng cáo vì như thế doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn so với doanh nghiệp ngoại, bỏ trần quảng cáo nhiều khi sẽ lại có lợi cho doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên đa phần, các doanh nghiệp đều phấn khởi trước thông tin bỏ trần quảng cáo, được ví như sự “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được lợi nhiều!

Chính quy định trần 15% chi phí quảng cáo trên tổng chi phí phát sinh trước đây đã khiến nhiều doanh nghiệp ở thế "tiến thoái lưỡng nan" khi muốn quảng bá mạnh sản phẩm ra thị trường. Bởi tùy từng thời điểm, từng sản phẩm mà doanh nghiệp doanh nghiệp có chiến lượt quảng cáo khác nhau, có thể năm nay cần tới 50% chi phí quảng cáo nhưng năm sau sẽ ít hơn, khống chế chi phí quảng cáo chẳng khác nào như "trói tay" doanh nghiệp.

Quy định khống chế chi phí quảng cáo chỉ làm thiệt cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nội đành chấp nhận chi "lố" để rồi "cắn răng" chịu phạt. Trong khi đó, một thực tế  là các doanh nghiệp nước ngoài với chi phí quảng cáo hàng năm ở Việt Nam lên cả triệu USD bằng cách "lách luật" thông qua công ty mẹ ở nước ngoài.

Một nghiên cứu được Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng các công cụ quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn hơn; đồng thời giảm được khoảng 5% giá thành. Rõ ràng bỏ trần quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí quảng cáo và tự do giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Nhà nước có thất thu thuế?

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bỏ mức khống chế quảng cáo chỉ làm giảm thu Ngân sách năm 2015 ước tính khoảng 160 tỷ đồng, bởi có 1% doanh nghiệp sử dụng hết mức khống chế chi phí dành cho quảng cáo (15% tổng chi phí được trừ). 

Trong khi đó, việc dỡ bỏ khống chế chi phí quảng cáo lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất- kinh doanh, nên về lâu dài sẽ tạo nguồn thu bền vững cho ngân sach Nhà nước.

Hơn nữa, năm 2015, Việt Nam thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do vừa mới ký kết hoặc chuẩn bị ký kết, nên cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường. Chính vì vậy, việc dỡ bỏ khống chế chi phí quảng cáo ở thời điểm này là phù hợp (ông Tuấn được Báo đầu tư dẫn lời, nói).
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »