5 quan niệm sai lầm về nghề kế toán

 5 quan niệm sai lầm về nghề kế toán
Đã từ lâu khái niệm kế toán gắn liền với khái niệm doanh nghiệp như hình với bóng, kế toán không phải là một khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết công việc kế toán và biết sử dụng thông tin kế toán một cách đúng mực; thậm chí từ kế toán còn bị lạm dụng, hiểu sai.


Bài viết dưới đây đưa ra những quan niệm sai lầm về kế toán và nếu một trong số đó còn tồn tại trong bạn, hãy nghĩ đến loại bỏ nó ngay lập tức:

1. Kế toán là một công việc nhàm chán

Mới thoạt nhìn qua thì có vẻ đúng, vì công việc của kế toán mang tính lặp lại. Chẳng hạn bút toán rút tiền Ngân hàng nhập quỹ tiền mặt, thì ngày này qua ngày khác kế toán phải định khoản nợ TK 111, có TK 112 mà không thể định khoản khác được … Công việc của kế toán gắn liền với chứng từ, sổ sách, với những con số.

Tuy nhiên, Kế toán không hẳn là công việc quá khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà luật pháp, chế độ kế toán luôn có sự thay đổi, người kế toán phải luôn cập nhật thông tin, có sự sáng tạo trong công việc mà vẫn đảm bảo được tính khoa học và pháp lý trong công việc.

2. Kế toán giỏi phải biết “luồng lách” giúp Doanh nghiệp trốn thuế

Một kế toán giỏi trước hết phải là người đưa ra được những báo cáo trung thực, tin cậy về tình hình hoạt động của Doanh nghiệp; từ đó đưa ra các cảnh báo, giúp doanh nghiệp tránh được các nguy cơ rủi ro tài chính cũng như tránh được các hình thức xử phạt không đáng có của cơ quan thuế.

Những báo cáo, con số “phù phép” rất có thể là mầm móng cho các thảm họa về sau. Do đó, một kế toán giỏi không thể cứ thấy lợi trước mắt mà nhắm mắt làm liều, bất chấp luật pháp để rồi doanh nghiệp phải gánh chịu những rủi ro về pháp lý, rủi ro tài chính bất cứ lúc nào mà bản thân mình cũng không tránh được những hệ lụy.

3. Doanh nghiệp chỉ cần một kế toán là quá đủ

Nhiều người cho rằng, kế toán là công việc cập nhật số liệu đơn giản, chỉ cần một người định khoản nợ/có tất cả các chứng từ đầu vào, đầu ra (trên phần mềm kế toán) để phân loại, báo cáo; không cần nhiều kế toán. Điều này có thể đúng với doanh nghiệp nhỏ, gia đình. 

Thực tế công việc kế toán được quản trị qua từng khâu, theo dõi từ nguyên liệu đầu vào cho đến hàng xuất bán; Từ quản trị hàng tồn kho, công nợ, tài sản, chi phí,  … cho đến kiểm soát dòng tiền. Do đó, một người "bao" hết công việc kế toán thì sẽ luôn trong tình trạng “quá tải”, không kiểm soát được công việc của chính mình, chất lượng kế toán ở các doanh nghiệp này cực kỳ thấp.

4. Kinh nghiệm là chìa khóa thành công

Kinh nghiệm làm việc làm không ít các bạn trẻ nản lòng khi đọc các mẫu tin tuyển dụng, không dám gửi hồ sơ xin việc vì tin chắc rằng mình không đạt yêu cầu.

Trên thực tế, mọi việc không đến nỗi quá bi quan, điều quan trọng là bạn phải biết tạo ra một hồ sơ xin việc ấn tượng. Chỉ ra những điểm mạnh, ưu điểm của bạn, để nhà tuyển dụng nhận ra “sự khác biệt” giữa bạn và những ứng viên khác; hãy cho nhà tuyển dụng biết sự đam mê công việc của bạn với định hướng nghề nghiệp nghiêm túc, rõ ràng.

Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng nhân sự giỏi sẽ không để “lọt” bất cứ một ứng viên tiềm năng nào. Thực tế đã chứng minh rằng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đã được tuyển chọn và làm việc tại các doanh nghiệp lớn hoặc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài uy tín.

5. Học kế toán giỏi sẽ làm tốt kế toán

Sinh viên kế toán có bằng chuyên môn khá, giỏi sẽ là nền tảng tốt cho công việc, dễ xin được việc làm. Nhưng nếu nói tất cả sinh viên kế toán có bằng chuyên môn khá, giỏi đều làm tốt công việc kê toán thì không hẳn lúc nào cũng đúng, bởi giữa lý thuyết và công việc thực tế vẫn luôn có khoảng cách nhất định.

Việc thuê được một người có năng lực thực tế khó hơn nhiều so với nhiều người vẫn hay "tưởng tượng". Cũng chính vì vậy mà nhà tuyển dụng thường đưa ra các yêu cầu như: Có khả năng làm việc độc lập, thận trọng, cẩn thận, chăm chỉ, trung thực ... Nhiều nhà tuyển dụng hay phàn nàn rằng, những người tốt nghiệp với điểm số cao chưa chắc đã cần cù, có tinh thần làm việc ... để làm tốt công việc kế toán.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »